Nghề xây dựng – Một nghề nghiệp xứng đáng được tôn vinh
Cuộc sống này sẽ ra sao nếu thiếu đi những con người làm xây dựng, sẽ thiếu đi những điện, đường, trường, trạm, những nhà máy xí nghiệp hay những công trình nối liền những bờ vui. Ngay lúc này đây trên công trình, những người làm xây dựng vẫn âm thầm miệt mài với những công việc của họ. Nơi người làm xây dựng đặt chân đến là những vùng đất hoang vu, để rồi họ lại vội vã rời đi khi miền đất đã sáng những ánh đèn, đã đông dần những tổ ấm.... và họ lại thầm hát trên môi “em thân yêu ơi, ngày mai chúng ta lại lên đường, đến những chân trời mới…” Để tạo nên những công trình thì không thể thiếu những kỹ sư thi công, kỹ sư thiết kế và người thợ xây.
Kỹ sư thi công
Nơi công trường là nhà Đối với kỹ sư thi công, công trường là nhà, máy móc là anh em, đồng nghiệp là gia đình. Do đặc thù công trình xây dựng không di chuyển mà người làm xây dựng phải di chuyển đến nơi làm công trình, do đó, kỹ sư thi công thường xuyên phải làm việc xa nhà. Nơi họ đặt chân đến là những vùng đất hoang vu, đầy sỏi đá. Lúc họ vội vã rời đi là khi những miền đất đã sáng những ánh đèn, đã đông dần những tổ ấm. Đối với kỹ sư thi công, mỗi công trình là một phần tuổi trẻ, một phần đam mê và có khi còn có cả máu và nước mắt. Dân công trường thường có chất rất riêng, họ bụi bặm, nói năng dứt khoát. Những điều này không phải tự nhiên họ thích mà nó xuất phát từ đặc thù nghê nghiệp. Công trường xây dựng luôn bụi bẩn và thiếu nước sạch, vì vậy không có lý do gì quần áo của những người xây dựng lại sạch sẽ thơm tho. Công trình cũng luôn ồn ào vì tiếng máy móc, vật liệu, do vậy các kỹ sư xây dựng phải nói to và rõ ràng mỗi khi muốn giao tiếp với người khác.
Kỹ sư thiết kế
Những người lính thầm lặng. Nếu công việc của kỹ sư thi công gắn với công trường và máy móc thì công việc của kỹ sư thiết kế lại gắn liền với máy tính và ...máy tính. Đối với người kỹ sư thiết kế, sản phẩm của họ là hàng chồng bản vẽ, hàng kho hồ sơ. Công việc của kỹ sư thiết kế là sử dụng các số liệu khảo sát và tuân thủ theo các yêu cầu, quy định để đưa ra giải pháp thiết kế phù hợp nhất. Nói là phù hợp nhất vì nếu người thiết kế không có tâm, không chọn lựa ra phương án tối ưu thì có thể gây lãng phí rất lớn đến toàn bộ các công trình, dự án. Có từng trải qua môi trường này mới hiểu tính chi tiết, tỷ mỷ và chính xác của những người làm thiết kế. Đôi khi, có thể bắt gặp cảnh những kỹ sư đã hoa râm mái tóc vẫn tranh luận với nhau như những đứa trẻ chỉ vì một chi tiết rất nhỏ trong bản vẽ, mà một công trình phải có đến hàng ngàn bản vẽ như vậy. Người làm thiết kế không phải sống xa gia đình như những kỹ sư thi công nhưng công việc của họ không vì thế mà ít áp lực. Áp lực của các kỹ sư thiết kế là tiến độ, là chất lượng và là độ chính xác, tỷ mỉ. Chỉ “sai một ly” trong thiết kế thôi là ra thực tế sẽ “đi một dặm”, vì vậy người làm thiết kế luôn phải đặt độ chính xác lên cao nhất trong công việc của mình và luôn phải chịu áp lực cho yêu cầu đó.
Người thợ xây
Những chú ong chăm chỉ Thợ xây là một ngành nghề khó nhọc, hằng ngày phải tắm mồ hôi giữa ngổn ngang đất đá, bụi bẩn. Vì kế sinh nhai và cũng vì yêu nghề, người ta mới trụ lại được với nghề muôn ngàn khó khăn này. Nhờ những đôi bàn tay khéo léo của người thợ sẽ xây nên những bức tường thành vững chắc cho các công trình. Xã hội ngày càng phát triển, các công trình cũng ngày càng cao tầng, nghề thợ xây cũng trở nên nguy hiểm hơn. Nhìn những người thợ xây treo mình chênh vênh trên cao để xây công trình, chúng ta nhìn đến chắc cũng lạnh cả sống lưng. Họ phải bưng bê nào là hồ, gạch, phải leo lên trèo xuống mệt đứt cả hơi, về đến nhà là chân tay rã rời. Nhưng dần dần, được máy móc hỗ trợ và có trang thiết bị bảo hộ lao động thì cũng đỡ được phần nào.
Quả thật, lại không thể phủ nhận nghề thợ xây đã giải quyết được rất nhiều công ăn việc làm cho những người không có ruộng vườn, tất cả các chi phí sinh hoạt đều dựa vào công việc này. Các cánh thợ xây chia sẽ “chúng tôi đa phần là nông dân, lại thuộc hộ nghèo, gia đình quá khó khăn nhưng nhờ có thể làm công việc này mà đỡ được phần nào cuộc sống”. Thế đấy mới biết nghề xây dựng vất vả và khó khăn biết nhường nào.